Việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường (BVMT) trong sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh đang là một trong những vấn đề luôn được người dân quan tâm. Bởi, trong thực tế có không ít tổ chức, cá nhân còn vì lợi ích trước mắt mà không chấp hành các quy định về BVMT. Không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế, là lời khẳng định và cũng là một trong những yêu cầu hàng đầu dành cho các công ty, doanh nghiệp đã và đang đầu tư, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào bất cứ ngành, lĩnh vực nào trên địa bàn tỉnh. Đây là một trong những chủ trương nhận được sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân. Bởi, ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề nóng, đe dọa trực tiếp đến sự phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững. Ở Bạc Liêu, ô nhiễm môi trường chưa nghiêm trọng nhưng đã là vấn đề bức xúc và đang đứng trước thách thức trong tương lai rất gần.
Thời gian qua, sự phát triển “nóng” của các cụm, khu nuôi tôm siêu thâm canh ở các địa phương kéo theo đó là việc xử lý chất thải, nước thải ở các khu nuôi này hầu hết chỉ mang tính tạm thời, chắp vá và chỉ chờ sự nới lỏng trong quản lý, kiểm soát của người dân xung quanh thì gần như ngay lập tức lượng lớn nước thải, chất thải sẽ được các chủ trại tuồn thẳng ra môi trường. Hậu quả là gây ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng chung đến việc canh tác, nuôi trồng thủy sản của người dân xung quanh. Đây là một thực trạng đáng lo ngại và cũng là thách thức thật sự đối với ngành quản lý ở địa phương. Bà H.K.N (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình) chia sẻ: “Trước đây nguồn lợi thủy sản dồi dào lắm, môi trường trong lành nên thả giống xuống, dẫn nước vào là tôm cá phát triển rất nhanh. Vì thế đời sống của người dân khi ấy tuy không giàu có, nhưng ổn định. Thế nhưng, khoảng 3 năm trở lại đây, các trại nuôi tôm siêu thâm canh xuất hiện ngày càng nhiều, kéo theo đó là nước thải, chất thải cứ liên tục đổ dồn ra kênh rạch thì những hộ nuôi tôm quảng canh như tôi coi như mất trắng”.
Không chỉ có những hộ nuôi tôm xả thải mà ngay cả các công ty, doanh nghiệp dù có đầu tư hệ thống xử lý nước, chất thải hẳn hoi nhưng vì lợi nhuận kinh tế nên không vận hành. Hoặc chúng chỉ được khởi động khi nhận được tin sắp có đoàn kiểm tra. Còn những ngày tiếp theo hệ thống xử lý nước, chất thải phải nhường chỗ cho “hệ thống xả phụ” được đâm thẳng ra kênh, mương. Đây là một thực trạng diễn ra khá lâu và phổ biến nhưng đến nay ngành chức năng vẫn chưa tìm được giải pháp xử lý dứt điểm.
Cần sự chung tay của cộng đồng
Khó khăn lớn nhất với lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và cả ở địa phương hiện nay là chưa có đội ngũ cán bộ đủ năng lực và thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại để tiến hành đo, xử lý hành vi vi phạm về chất thải, nước thải. Song song đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa đầy đủ, nhất là các văn bản hướng dẫn xác định hậu quả của hành vi gây ô nhiễm như thế nào là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng… để xử lý theo luật hình sự.
Do đó, để công tác BVMT thật sự đạt kết quả, giải pháp đầu tiên là cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về BVMT, trong đó chế tài xử phạt phải mạnh để đủ sức răn đe đối tượng vi phạm. Kêu gọi đầu tư là cần thiết nhưng nhất thiết phải bắt buộc các công ty đầu tư hạ tầng xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung hoàn chỉnh mới được phép hoạt động, đồng thời thường xuyên có báo cáo định kỳ về hoạt động xử lý nước thải, rác thải. Khi thu hút đầu tư, ngay từ khâu thẩm định, đánh giá tác động môi trường phải được cân nhắc kỹ giữa lợi ích trước mắt với ảnh hưởng đến môi trường.
Bên cạnh đó, để thực hiện mục tiêu phát triển xanh, không nhất thiết doanh nghiệp phải đầu tư trang thiết bị hiện đại để giảm thiểu khí thải, tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường. Chỉ bằng những hành động đơn giản như chấp hành tốt quy định BVMT, cải tiến quy trình sản xuất để giảm nguyên liệu, nhiên liệu, điện; quan trọng nhất là ưu tiên tiêu dùng những sản phẩm, nguyên vật liệu thân thiện với môi trường. Song song đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật BVMT, trách nhiệm xã hội của người dân, doanh nghiệp trong gìn giữ, BVMT. Mới đây, phát biểu tại buổi mít-tinh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Văn Thiều nhấn mạnh: Các cấp, các ngành, các cơ sở sản xuất – kinh doanh, cùng tất cả người dân trong tỉnh hãy tích cực tham gia vào các hoạt động BVMT, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên nhằm truyền tải ý nghĩa thông điệp, đồng thời cùng nhau xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên, nhắc nhở mọi người hướng tới các hành vi sống thân thiện với môi trường, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng để cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên và Trái đất.
Nguồn: https://www.baobaclieu.vn/doi-song-xa-hoi/dung-vi-loi-ich-truoc-mat-ma-buc-tu-moi-truong-81764.html